Cập nhật lúc: 10/04/2025

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm

Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát huy vai trò trong liên kết sản xuất, kinh doanh để tạo ra những vùng nguyên liệu lớn, đồng đều về tiêu chuẩn, chất lượng.

Nâng "chất" hợp tác xã

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 500 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả theo hướng kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản và phát triển các ngành nghề. Nhằm nâng cao vai trò, vị thế của các HTX trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Qua đó, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn, đồng bộ về tiêu chuẩn và chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.

Tiêu biểu như HTX Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kmát – Hòa Đông (xã Hòa Đông) đã liên kết 99 hộ làm cà phê, tổng diện tích liên kết 144 ha. Từ khi được thành lập (năm 2014), các hộ dân cùng thực hiện một quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao theo chứng nhận FLO cho toàn bộ diện tích liên kết.

 HTX đã xây dựng một số mô hình sản xuất cà phê bền vững như: cà phê có chứng nhận FLO, 4C, RA, Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, OCOP… để các thành viên HTX biết cách canh tác, áp dụng quy trình sản xuất. Đến nay các hộ liên kết đã áp dụng một cách nhuần nhuyễn từ khâu chăm sóc, thu hái quả chín đến chế biến ướt. Nhờ đó, năng suất cà phê cũng tăng từ 2,5 tấn/ha lên 3,5 tấn/ha; bà con nông dân đã có ý thức hơn trong việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí cà phê bền vững có chứng nhận. Điều này đã tạo được vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao có chứng nhận quốc tế ngay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và HTX trở thành đối tác của Công ty TNHH Dakman Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.

 Tương tự Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nhất Tâm (thôn 10, xã Ea Đar) hiện đang liên kết với 200 hộ dân trồng ca cao trên địa bàn huyện với tổng diện tích 100 ha. Khi tham gia liên kết, các thành viên của HTX được cung ứng nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng với giá cả hợp lý; được tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch… giúp việc canh tác cây ca cao đạt năng suất và chất lượng cao. HTX cũng đã liên kết với một số doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Theo bà Nguyễn Hồng Thương, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhất Tâm, HTX hiện đang được nhiều công ty nước ngoài chuyên sản xuất sô cô la tìm đến đàm phán, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 300 tấn hạt ca cao ướt và hạt ca cao khô lên men; giúp các thành viên có nguồn thu nhập ổn định từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Cùng với việc sản xuất hạt ca cao, HTX cũng đã tận dụng lượng nước ép từ hạt ca cao để tạo ra sản phẩm mới là ca cao lên men, với sản lượng 10.000 lít/năm. Đến nay, sản phẩm ca cao lên men của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trong giai đoạn 2022 - 2025, huyện Ea Kar đặt mục tiêu xây dựng và phát triển 9 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với 9 sản phẩm chủ lực, gồm: lúa gạo, vải thiều, nhãn, mít, gà thịt, trứng gà, thủy sản, heo rừng lai, bò thịt và các loại rau.

HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình được xây dựng từ tổ liên kết sản xuất nông sản của nông dân vào năm 2013. Tuy nhiên, thời điểm đó, HTX chủ yếu chỉ thuần sản xuất lúa và mía nguyên liệu. Nhận thấy xu thế của thị trường, sau khi đã ổn định được vùng nguyên liệu và liên kết với người dân, HTX đã tiến hành phát triển chế biến chuyên sâu và tích cực kết nối, quảng bá sản phẩm nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất, trong đó lúa được xem là sản phẩm chủ lực. Với mục tiêu sản xuất gạo thương phẩm chất lượng cao, xây dựng và phát triển thương hiệu "Gạo sạch Thăng Bình HTB", cuối năm 2019, HTX đã mạnh dạn triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo, với nhà xưởng chế biến rộng 1.750 m2, hệ thống lò sấy lúa công nghệ nhiệt sạch, dây chuyền xay xát gạo, hệ thống xuất nhập liệu tự động và các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất… với tổng kinh phí 15 tỷ đồng. Đồng thời, HTX tích cực hoàn thiện vùng nguyên liệu; tổ chức sản xuất tập trung; thành lập các tổ đội cơ giới, dịch vụ trồng trọt bám sát trên ruộng đồng... qua đó tạo thuận lợi trong chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho nông dân. Đơn vị đã ký kết với các công ty cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân theo nhu cầu và kế hoạch sản xuất của từng mùa vụ, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, gia tăng giá trị sản xuất. Hiện HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu khoảng 1.000 ha các loại cây trồng (riêng diện tích lúa nước 800 ha) ở các xã trên địa bàn huyện Krông Bông. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết với  HTX Nông nghiệp 714, Công ty TNHH MTV Cà phê 721 cùng nhau hỗ trợ, chia sẻ những cơ hội trong sản xuất, kinh doanh, liên kết xây dựng nguồn lực lớn mạnh để chủ động ký kết với những đối tác tiềm năng trong và ngoài nước, góp phần phát triển cho ngành lúa gạo địa phương và nâng cao vị thế thương hiệu gạo Việt.

Cần tạo “sức hút” với doanh nghiệp

Để tạo được chuỗi giá trị sản phẩm bền vững thì các HTX phải tạo được “sức hút” với các DN. Do đó, tỉnh đã xây dựng một số dự án liên kết có hiệu quả như: dự án “Nâng cao giá trị thông qua xây dựng chuỗi giá trị Cacao bền vững từ trồng, thu hoạch, chế biến, xây dựng thương hiệu và thương mại sản phẩm” tại huyện Ea Kar và huyện Krông Ana; Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm thịt lợn rừng lai theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2020…và các dự án liên kết cấp huyện: dự án chế biến cà phê ướt và một số dự án trồng trọt, chăn nuôi khác tại Ea Kar, Krông Năng, Cư Mgar... Đặc biệt, một số HTX nông nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị mở rộng sản xuất, kinh doanh, từng bước đổi mới công tác quản lý, tham gia chuỗi giá trị hàng hóa với các DN để tìm thị trường ổn định cho sản phẩm… Tuy nhiên, trên thực tế, việc liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với DN thuộc các thành phần kinh tế khác còn ít và chưa thực sự bền vững. Phần lớn các HTX đều thiếu vốn, thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ và năng lực quản lý; nhiều HTX có số thành viên lớn và chủ yếu chỉ thực hiện các dịch vụ đầu vào, số lượng sản phẩm được liên kết sản xuất, tiêu thụ còn ít...

Đắk Lắk đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp

Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đây được xem là hướng đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời khẳng định vị thế nông sản Đắk Lắk trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đắk Lắk hiện có nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp với các sản phẩm thế mạnh như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ, macca... Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất còn manh mún, thiếu gắn kết giữa các khâu khiến giá trị gia tăng chưa cao, đầu ra chưa bền vững. Trước thực tế đó, tỉnh xác định đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị là giải pháp trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo định hướng, tỉnh sẽ tập trung quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu ổn định, sản xuất tập trung gắn với nhu cầu chế biến và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tăng cường kết nối giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp thông qua các mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng, có sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các bên.
Đắk Lắk cũng đặt mục tiêu nâng cao vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp trong tổ chức sản xuất theo chuỗi. Các hợp tác xã sẽ được hỗ trợ về quản trị, xây dựng thương hiệu, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng và kết nối thị trường.
Song song đó, tỉnh chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Đắk Lắk sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản sau thu hoạch và hệ thống logistics nhằm kéo dài chuỗi giá trị và giảm tổn thất nông sản.
Cùng với việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng đã có chỉ dẫn địa lý như cà phê Buôn Ma Thuột.
Với những định hướng rõ ràng và giải pháp cụ thể, Đắk Lắk đang từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Tâm Đan

In Gửi Email
ipv6 ready
EMC Đã kết nối EMC